Có những biểu hiện này sau tiêm vắc xin Covid-19, cần tới ngay cơ sở y tế

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, Việt Nam tiêm gần 2 triệu liều vắc xin Covid-19, chưa trường hợp nào có biểu hiện huyết khối trong 28 ngày sau tiêm.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, việc tiêm vắc xin cùng với thực hiện 5K rất quan trọng để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây truyền.

Mục tiêu làm sao đạt trên 2/3 dân số tiêm vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng mới kiểm soát tốt nguy cơ dịch Covid-19.

Theo PGS Cơ, trong bối cảnh toàn thế giới đang thiếu vắc xin, việc có được vắc xin tiêm đã là khó, làm sao tiêm vắc xin hiệu quả, an toàn là rất quan trọng.

Bộ Y tế đã thành lập Ủy ban an toàn quốc gia về vấn đề tiêm vắc xin, nhằm đảm bảo mục tiêu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo: Tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Tuy nhiên, trên thực tế có một số người còn e ngại các tác dụng phụ khi đi tiêm vắc xin.

“Tất cả vắc xin bản chất là đưa chất lạ vào cơ thể. Vắc xin nào cũng có tỉ lệ nhất định về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của vắc xin”, PGS Cơ nói.

Với vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, hiện tại, tất cả các nước đều báo cáo tác dụng phụ không mong muốn, như biểu hiện sốt, đau mỏi người giống như triệu chứng cúm, đau mỏi, sưng nề tại chỗ tiêm. Đây là biểu hiện thông thường sau tiêm vắc xin, người dân ko nên quá lo lắng với các biểu hiện thông thường này.

“Có người tiêm về cảm giác ớn lạnh, có người sốt 39-40 độ phải dùng thuốc hạ sốt. Đừng quá lo lắng, đó là triệu chứng thông thường sau tiêm vắc xin. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, sau tiêm 2-3 ngày tuyệt đối không uống bia rượu, hạn chế hoạt động nặng, hoạt động thể thao”, PGS Cơ nói.

Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ, tùy theo từng loại vắc xin, sau tiêm có thể có biểu hiện quan ngại: phản ứng dị ứng, có trường hợp biểu hiện phản vệ.

Hiện tại, những biểu hiện phản ứng dị ứng thông thường như nổi mề đay, ngứa nhưng không có biểu hiện khác như tụt huyết áp, khó thở, những triệu chứng này có thể khắc phục, điều trị, người dân có thể hỏi bác sĩ tư vấn.

Còn với phản ứng phụ nguy hiểm, như sốc phản vệ, đông máu, Việt Nam đều có hướng dẫn xử lý chi tiết, có chiến lược khám sàng lọc, tổ chức tiêm để phòng ngừa những nguy cơ này. Theo đó, tại các điểm tiêm đều có bác sĩ có kinh nghiệm về chuyên ngành hồi sức cấp cứu, có điều dưỡng được đào tạo chuyên ngành này để xử trí tại chỗ khi xảy ra tình huống.

Sau tiêm phòng, nên theo dõi như thế nào?

Các chuyên gia y tế trong buổi giao lưu trực tuyến giải đáp các thắc mắc về vắc xin Covid-19 do Dân trí tổ chức
Các chuyên gia y tế trong buổi giao lưu trực tuyến giải đáp các thắc mắc về vắc xin Covid-19 do Dân trí tổ chức

Sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nếu có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, nôn ngay sau khi tiêm, đây là những triệu chứng bác sĩ, điều dưỡng cần xử lý kịp thời ngay sau tiêm.

Cá biệt có những trường hợp xảy ra muộn, người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế, báo cho cơ sở y tế biết để người dân được cấp cứu, điều trị kịp thời.

“Đến nay, Việt Nam tiêm gần 2 triệu liều vắc xin Covid-19 trên cả nước, cũng gặp 1 số trường hợp phản vệ nặng, tuy nhiên hầu hết trường hợp đều được xử trí đúng tại chỗ, người bị phản vệ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, trở lại trạng thái bình thường”, PGS Cơ cho biết.

Tỉ lệ phản ứng nặng sốc phản vệ này tương đương thế giới, nhưng phần lớn các ca bệnh được cấp cứu thành công (chỉ 1 trường hợp tử vong), trở lại cuộc sống bình thường.

Theo dõi biểu hiện huyết khối, tắc tĩnh mạch đến 28 ngày sau tiêm

PGS.TS Đào Xuân Cơ trả lời các câu hỏi của độc giả Dân trí.
PGS.TS Đào Xuân Cơ trả lời các câu hỏi của độc giả Dân trí

Những biểu hiện huyết khối tắc mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu sau tiêm được nhiều nước báo cáo. Với vắc xin AstraZeneca, có tỉ lệ từ 1-4 phần triệu, tức là 1 triệu người tiêm có từ 1-4 người có biểu hiện rối loạn đông máu, thể hiện bằng huyết khối, tắc mạch, giảm tiểu cầu.

“Nhiều người dân quan ngại khi đi tiêm, nhưng có thể nói, người dân hoàn toàn an tâm. Khi thực hiện tiêm gần 2 triệu người tại Việt Nam, chưa một trường hợp nào có biểu hiện tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu như công bố”, PGS Cơ khẳng định.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã công bố phác đồ sàng lọc xác định kỹ những người có nguy cơ mắc biến chứng này phải cân nhắc khi tiêm, có trường hợp chống chỉ định không tiêm.

Sau tiêm chủng, người dân cần theo dõi đến 28 ngày sau tiêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu dưới đây:

  • Triệu chứng như phù chân, phù tay, phù dai dẳng (có thể cảnh báo tắc mạch chi).
  • Có biểu hiện tức ngực, khó thở (có thể cảnh báo nguy cơ tắc mạch phổi).
  • Biểu hiện đau bụng dai dẳng không tìm thấy nguyên nhân (có thể cảnh báo tắc mạch trong nội tạng).
  • Biểu hiện nôn ói, đau đầu, nhìn mờ, thậm chí co giật, liệt nửa người (có thể cảnh báo dấu hiệu tắc mạch máu não).

Khi phát hiện những triệu chứng này, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn.

PGS Cơ thông tin thêm, đến nay, tất cả các công trình nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định, những người đã được tiêm vắc xin, khi chẳng may nhiễm SARS-CoV-2 thì triệu chứng nhẹ hơn người khác, tỉ lệ tử vong với người đã được tiêm thấp hơn rất nhiều, rất hiếm tử vong so với người chưa được tiêm vắc xin.

Theo Dân trí

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin mới

Bác sĩ Lê Phương chính thức được bổ nhiệm là PGĐ Trung tâm Đông sinh Y dược VCCU

BÁC SĨ GIẢI ĐÁP: Viêm Lộ Tuyến Độ 1 Đặt Thuốc Có Khỏi Không?

Bị Lạc Nội Mạc Tử Cung Có Thai Được Không? [TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ CHUYÊN GIA]

Bệnh Lạc Nội Mạc Tử Cung Có Chữa Được Không? [GIẢI ĐÁP TỪ CHUYÊN GIA]

CHUYÊN GIA GIẢI ĐÁP: Lạc Nội Mạc Tử Cung Có Nguy Hiểm Không?

Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung Có Tự Khỏi Không? [CHUYÊN GIA GIẢI ĐÁP]

Nữ Giới Bị Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung Có Mang Thai Được Không?

Chuyên gia giải đáp: Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung Có Nguy Hiểm Không?

Viêm Lộ Tuyến Độ 3 Đặt Thuốc Có Khỏi Không? [GIẢI ĐÁP TỪ BÁC SĨ CHUYÊN KHOA]

[CHUYÊN GIA GIẢI ĐÁP] Viêm Lộ Tuyến Độ 2 Đặt Thuốc Có Khỏi Không?