Viêm Phụ Khoa Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không? Cần Lưu Ý Gì?
Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai là tình trạng thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do thay đổi, rối loạn nội tiết tố trong cơ thể thai phụ và sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Tình trạng viêm nhiễm này cần xử lý sớm và đúng cách để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Các bệnh viêm phụ khoa khi mang thai thường gặp
Có nhiều tình trạng viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có thể gặp phải. Dưới đây là một số bệnh viêm phụ khoa có thể xuất hiện trong thai kì, chị em cần lưu ý để kịp thời thăm khám và điều trị đúng cách.
Viêm phụ khoa do nhiễm nấm Candida
Các vi nấm Candida thường cư trú bên trong âm đạo. Chúng sinh sôi, phát triển và gây bệnh khi độ pH trong âm đạo bị thay đổi đột ngột. Trong môi trường cân bằng, nấm Candida hoàn toàn vô hại
Biểu hiện: khí hư trắng đục, lợn cợn hoặc đặc như màu sữa chua, âm hộ, âm đạo ngứa, đau kiểu bỏng rát.
Việc điều trị viêm âm đạo do nấm Candida rất dễ nhưng có thể tái lại nhiều lần. Do đó, cần điều trị dứt điểm bệnh để tránh lây sang con trong quá trình sinh nở. Khi sinh con qua âm đạo, nấm có thể dính vào niêm mạc miệng hoặc gây viêm da do nấm cho trẻ sơ sinh. Nguy hiểm hơn, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi do nấm.
Viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial vaginosis (BV)
Bệnh viêm phụ khoa do nhóm vi khuẩn Bacterial vaginosis (BV) xảy ra bởi ảnh hưởng của sự thay đổi hormone, các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển một cách quá mức trong thai kỳ.
Biểu hiện: tiết dịch âm đạo chuyển sang màu xám, có mùi hôi tanh…
Đây là bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 người thì 1 người sẽ mắc phải.
Nhóm vi khuẩn Bacterial vaginosis (BV) có mối liên quan đến các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như: vỡ màng ối sớm, nhiễm trùng nước ối; nguy cơ sảy thai khi thai nhi đã lớn, tăng nguy cơ sinh non cao gấp 2 lần so với người không bị bệnh; con sinh ra bị nhẹ cân; viêm buồng tử cung sau khi sinh qua âm đạo hoặc sinh mổ… Do vậy, người mẹ khi mang thai không được chủ quan với những dấu hiệu bất thường ở vùng kín.
Viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn
Vi khuẩn lậu là một trong những vi khuẩn phổ biến gây bệnh viêm nhiễm lây qua quan hệ tình dục. Ở phụ nữ mang thai nguồn lây chính là vi khuẩn từ trong niệu đạo của nam giới khi phát sinh quan hệ tình dục.
Biểu hiện: tiểu rắt, nước tiểu đục kèm theo mủ, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và đau vùng bụng dưới…
Bệnh phụ khoa khi mang thai do lậu cầu khuẩn gây ra nếu không được điều trị dứt điểm nguy cơ sinh non tăng lên 8%, gây viêm màng ối, vỡ ối; trẻ sinh ra nhẹ cân, dễ lây nhiễm cho bé. Vi khuẩn từ chất dịch tiết ra ở đường sinh dục của người mẹ xâm nhập vào mắt trẻ sơ sinh, có thể gây viêm kết mạc mắt, từ ngày thứ 2 sau sinh, mắt của bé sẽ bị sung huyết, có nhiều mủ vàng, giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
Nhiễm HPV trước và sau thai kỳ
HPV là một loại nhiễm trùng qua đường tình dục. Nguyên nhân có thể do bị lây nhiễm trong quá trình mang thai hoặc từ trước đến khi mang thai miễn dịch giảm, virus hoạt động mạnh gây các tổn thương. Có hơn 150 loại virus HPV tồn tại, có 40 chủng có thể lây nhiễm qua đường sinh dục và gây ra mụn cóc sinh dục, ung thư.
Biểu hiện: Mụn cóc (những bướu thịt màu trên da) mọc đơn lẻ hoặc thành từng cụm; mụn cóc sinh dục phát triển trên âm đạo, âm hộ, cổ tử cung hoặc hậu môn ở phụ nữ; mụn cóc thông thường hình thành trên tay hoặc khuỷu tay; mụn cóc Plantar xuất hiện trên gót chân…
Tình trạng nhiễm virus HPV khi mang thai sẽ không truyền cho thai nhi hoặc phát triển thành bệnh nhiễm trùng nào khác. Tuy nhiên, sự thay đổi nồng độ hormone trong thai kỳ tạo điều kiện làm mụn cóc phát triển nhanh hơn mức bình thường. Trong trường hợp mụn cóc ngăn chặn đường em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ lẫn thai nhi trong bụng.
Viêm phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai chứa nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Mẹ bầu dù mắc bất cứ bệnh lý nào về phụ khoa hoặc ít hoặc nhiều đều ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm không?
Các bệnh lý như viêm âm hộ, viêm cổ tử cung… trong quá trình sinh thường có thể lây vi khuẩn sang em bé dẫn đến nguy cơ trẻ sơ sinh bị viêm phổi, viêm kết mạc, viêm da sau sinh. Rất khó để xác định được mức độ nguy hiểm của bệnh lây sang cho thai nhi.
Các bệnh phụ khoa lây qua đường sinh dục như giang mai, lậu, sùi mào gà… rất nguy hiểm. Bé có thể nhiễm lậu, giang mai thông qua dây rốn hay có những vết sùi mào gà trên da khi được sinh thường qua đường âm đạo.
Những bệnh phụ khoa do nấm khi mang thai có thể gây hại trực tiếp cho mẹ hoặc tạo những thay đổi bất thường khi sinh ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi; kích thích chuyển dạ sớm hoặc sinh non
Điều trị viêm phụ khoa khi mang thai như thế nào?
Việc điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai cần tuân theo nghiêm ngặt những chỉ định và phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý điều trị, dùng thuốc hoặc xem nhẹ các tình trạng bệnh. Ngay khi thấy xuất hiện triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
Tùy vào tình trạng bệnh, triệu chứng xuất hiện, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc có tác dụng tại chỗ như kem bôi âm đạo và thuốc đặt âm đạo. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể được kê một số thuốc đặt âm đạo kết hợp như: Neomycin, Nystatin và Polymyxin B,…
Việc sử dụng thuốc thời điểm này khá nhạy cảm vì vậy mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý khi điều trị viêm phụ khoa trong thai kỳ
Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mẹ bầu khi bị viêm phụ khoa cần lưu ý các thông tin sau để hỗ trợ và hạn chế tình trạng viêm nhiễm:
- Vệ sinh và giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo
- Mặc đồ lót thoáng khí, thấm hút tốt, ưu tiên chất liệu cotton
- Hạn chế thường xuyên sử dụng băng vệ sinh hàng ngày
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp với nồng độ pH âm đạo, tránh dùng dung dịch vệ sinh có nồng độ pH cao, chứa chất tạo mùi thơm, chất tẩy rửa mạnh.
- Hạn chế số lần quan hệ tình dục
- Mẹ bầu nên ăn sữa chua lên men tự nhiên mỗi ngày để cung cấp vi khuẩn có lợi, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh
- Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu protein, axit béo omega-3, vitamin và nhiều loại thực phẩm có lợi khác cho sức khỏe.
- Hạn chế ăn đồ ngọt vì chúng làm tăng lượng bài tiết của âm đạo, khiến âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và bệnh thêm nặng.
Phòng tránh viêm phụ khoa trong giai đoạn thai kỳ
Mang thai là thời gian nhạy cảm, rất dễ bị viêm phụ khoa và tái phát trong cả thai kì. Bên cạnh việc thăm khám và theo dõi thường xuyên, mẹ bầu cũng cần có thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng khoa học để phòng tránh các bệnh phụ khoa.
- Tăng cường sức khỏe tổng thể và sức đề kháng bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu protein, axit béo omega-3, vitamin, rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm lợi khuẩn,…
- Giảm lượng đường trong chế độ ăn uống. Bởi việc sử dụng thực phẩm nhiều đường có thể thúc đẩy quá trình sinh sôi và phát triển của nấm men.
- Vệ sinh phụ khoa đúng cách, hạn chế rửa hay thụt nước vào trong âm đạo tránh nhiễm khuẩn nặng hơn
- Luôn giữ trạng thái tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu
- Không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh, nặng mùi và có độ pH cao, nước hoa vùng kín hoặc các sản phẩm xịt thơm
- Hạn chế quan hệ tình dục, quan hệ tình dục an toàn
Viêm phụ khoa khi mang thai là tình trạng viêm nhiễm thường gặp và có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Do đó, để hạn chế bệnh diễn tiến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường của bệnh, mẹ bầu cần chủ động đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!