Phác đồ điều trị U xơ tử cung của Bộ Y tế

1. Định nghĩa

U xơ tử cung hay u xơ cơ tử cung là khối u tế bào cơ trơn lành tính của tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 30-50 tuổi.

2. Phân loại

– U xơ dưới thanh mạc: Có thể có cuống hay không, thường phát triển về phía ổ bụng, hố chậu, hoặc giữa hai lá của dây chằng rộng gây chèn ép vào niệu quản, hay nhầm với u buồng trứng.

– U xơ kẽ: Là khối u phát triển từ phần giữa của cơ tử cung, làm biến dạng buồng tử cung.

– U xơ dưới niêm mạc: Là khối u xơ cơ ở dưới niêm mạc. Đôi khi có cuống đẩy lồi vào buồng tử cung gọi là polip xơ.

3. Triệu chứng

Thường phát hiện khi đi khám vì lý do: Rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, chậm có thai, ra máu âm đạo hoặc tự sờ thấy khối u ở vùng bụng dưới.

3.1. Triệu chứng cơ năng

– Bệnh nhân có thể thiếu máu nếu có băng kinh hoặc ra máu kéo dài

– Ra máu từ buồng tử cung là triệu chứng chính (nhất là các u xơ dưới niêm mạc), thể hiện dưới dạng cường kinh, rong kinh.

– Đau vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau kiểu nặng bụng, tức bụng.

– Ra khí hư trong, loãng.

3.2. Triệu chứng thực thể

– Nắn bụng thấy khối u ở vùng hạ vị.

– Đặt mỏ vịt có thể thấy hình ảnh polip có cuống, chân nằm ở trong buồng tử cung.

– Thăm âm đạo kết hợp nắn bụng thấy tử cung to, chắc, có khi thấy những khối lồi trên mặt tử cung. Di động cổ tử cung thì khối u di động theo.

3.3. Cận lâm sàng

– Siêu âm thấy hình ảnh khối u xơ ở tử cung.

– Công thức máu: Phát hiện thiếu máu nếu mất máu nhiều, kéo dài.

4. Chẩn đoán

4.1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng và siêu âm.

4.2. Chẩn đoán phân biệt

– Có thai.

– U buồng trứng.

– Bệnh lý nội mạc trong cơ tử cung (adenomyosis).

– Các khối u ngoài đường sinh dục (u ruột, u mạc treo, …).

5. Tiến triển và biến chứng

5.1. Tiến triển

U xơ tử cung thường tiến triển chậm, sau một thời gian khối u có thể tăng kích thước gây nên triệu chứng và biến chứng. Chỉ khoảng 0,05% trường hợp u xơ tử cung biến chứng thành sarcoma. Nếu khối u nhỏ thì không gây triệu chứng hoặc biến chứng gì đáng kể. Thời kỳ mãn
kinh, u xơ tử cung có thể ngừng phát triển.

5.2. Biến chứng

5.2.1. U xơ tử cung ở người không có thai

– Xuất huyết tử cung bất thường: Thường do u xơ dưới niêm mạc.

– Chèn ép các tạng lân cận: U xơ trong dây chằng rộng chèn ép niệu quản, u to chèn vào bàng quang, trực tràng.

– Thoái hoá: Một số trường hợp khối u to có thể có biến chứng thoái hoá hoại tử vô khuẩn hoặc thoái hoá kính.

– Xoắn khối u dưới thanh mạc có cuống: Đau dữ dội ở vùng hố chậu, kèm dấu hiệu kích thích phúc mạc (nôn, bí trung tiện).

5.2.2. U xơ tử cung và thai nghén

– Chậm có thai hoặc vô sinh.

– Sẩy thai, thai chậm phát triển trong tử cung, đẻ non.

– Rau tiền đạo, rau bám chặt.

– Đẻ khó do cơn co hoặc ngôi thai: khi chuyển dạ thường gây rối loạn cơn co, chuyển dạ kéo dài, ngôi thai bất thường, ngôi cúi không tốt, u xơ trở thành khối u tiền đạo cản trở đường ra của thai.

– Thời kỳ sổ rau thường gây băng huyết, đờ tử cung.

– Thời kỳ hậu sản, u xơ có thể gây bế sản dịch, nhiễm khuẩn hậu sản, hoại tử vô khuẩn, u xơ dưới thanh mạc có cuống có thể bị xoắn.

6. Xử trí

– Nếu khối u nhỏ, chưa có biến chứng: theo dõi, khám định kỳ 3 tháng một lần hoặc điều trị nội khoa.

– Nếu khối u xơ to và / hoặc có biến chứng: Phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên tuổi, số con, nhu cầu sinh sản và loại biến chứng:

+ Điều trị trì hoãn (tạm thời): Dùng progestin (đường uống, đặt âm đạo hoặc dụng cụ tử cung chứa progestin), kháng progesteron (Mifepristone), viên thuốc tránh thai phối hợp, GnRH đồng vận.

+ Ngoại khoa:

• Bảo tồn tử cung: bóc nhân xơ, thuyên tắc mạch.

• Cắt tử cung toàn phần.

• Với u xơ dưới niêm mạc, có thể được chẩn đoán và điều trị bằng soi buồng tử cung và cắt u qua soi buồng.

Theo Hướng dẫn Quốc gia về Các dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản

ban hành bởi Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em của Bộ Y tế

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin mới

KHUYẾN MÃI: Chào Mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20 – 10

Cuộc thi: Trao gửi lời thương đến người phụ nữ bạn trân quý

Khuyến Mãi VÀNG Tuần Lễ Vu Lan Báo Hiếu: Vẹn Toàn Vu Lan – Tặng Cha Mẹ Quà Sức Khỏe

Bị khí hư bệnh lý có thai được không? Ra nhiều khí hư có phải mang thai không?

Khí hư ra nhiều có sao không, có nguy hiểm không và nên xử lý thế nào?

Bị huyết trắng có thai được không? Có thai có ra huyết trắng không?

Bị bệnh huyết trắng có nguy hiểm không? Nên xử lý ra sao?

TUẦN VÀNG KHUYẾN MÃI: Chào Mừng Ngày Gia Đình Việt Nam 28/06

Chuyên gia giải đáp: Bệnh lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Chuyên gia giải đáp thắc mắc nữ giới bị viêm phụ khoa có thai được không?