Nhiễm Chlamydia trachomatis gây ra hiện tượng vô sinh ở nữ giới?
Có phải nhiễm Chlamydia trachomatis khiến phụ nữ có nguy cơ vô sinh cao hơn? Câu trả lời đã được sáng tỏ với nghiên cứu của các bác sĩ tại Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô sinh Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế.
Nhiễm Chlamydia là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Chlamydia là một loại vi sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và virus do hệ thống gen di truyền của Chlamydia có thể xếp vào nhóm virus, cũng có thể xếp vào nhóm vi khuẩn.
Trên thực tế, các bác sĩ đã thực hiện nghiên cứu đánh giá tình hình nhiễm Chlamydia trachomatis ở bệnh nhân nữ vô sinh và tìm hiểu một số yếu tố liên quan. Từ tháng 6/2017 đến 6/2020, nghiên cứu được triển khai với 541 trường hợp vô sinh nữ đến khám và điều trị tại Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô sinh Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế.
Kết quả thống kê cho thấy:
- Tỷ lệ nhiễm Chlamydia trachomatis là 5,7%.
- Độ tuổi trung bình mắc bệnh là 33,2 ± 5,1 tuổi.
- Thời gian vô sinh 3,0 ± 2,8 năm.
- Loại vô sinh nguyên phát chiếm 60,3% và thứ phát chiếm 39,7%.
- Tiền sử viêm âm đạo – cổ tử cung (11,8%), viêm vùng chậu (5,4%), tiết dịch âm đạo bất thường (17,7%), tiền sử sẩy thai (24,6%), tiền sử phẫu thuật vùng bụng – tiểu khung (23,1%), soi tươi dịch âm đạo bất thường (25%), vòi tử cung bất thường trên HSG (18,3%).
Dựa vào kết quả thu thập được, các chuyên gia kết luận Chlamydia trachomatis là tác nhân bệnh sinh quan trọng ở bệnh nhân vô sinh.
Theo đó, Chlamydia gây ra hiện tượng dính và bí tắc vòi tử cung. Trong trường hợp này, khi soi ổ bụng chẩn đoán hiếm muộn, bác sĩ có thể thấy tử cung, vòi tử cung, buồng trứng và các thành phần xung quanh hệ sinh dục nữ bị dính vào nhau bởi các dải xơ mỏng dẫn đến vòi tử cung bị tắc. Tình trạng này khiến tinh trùng khó di chuyển để gặp trứng từ đó dẫn tới hiện tượng vô sinh, hiếm muộn.
Vòi tử cung tắc cũng là nguyên nhân gây thai ngoài tử cung dẫn đến việc phải thụ tinh trong ống nghiệm do trứng không thể đi vào buồng tử cung.
Để phát hiện tình trạng viêm nhiễm Chlamydia trachomatis, chị em nên chủ động thăm khám phụ khoa định kỳ hoặc tới ngay cơ sở y tế khi thấy các triệu chứng bất thường tại vùng kín.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!